Đề xuất loạt cơ chế đặc thù cho Thanh Hoá
Theo dự thảo cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa, tỉnh được điều chỉnh, ban hành một số loại phí, giữ lại 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn...
Dự thảo nghị quyết một số cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hoá được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng16/9.
Theo đó, Thanh Hoá được điều chỉnh và ban hành thêm một số loại phí, và ngân sách tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ phí, lệ phí... cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Phú Cường đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm, lộ trình, tính chất, mức độ thu vì khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hậu quả kéo dài chưa nên ban hành mới các khoản thu nhằm không tạo gánh nặng cho người dân, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và các địa phương khác.
Ngoài ra, để tăng thu cho ngân sách địa phương, cần cân nhắc thí điểm tăng thuế suất với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Theo hướng này sẽ khả thi hơn về số thu và hạn chế tác động bất lợi đối với xã hội.
Góp ý kiến, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, cho rằng quy định "điều chỉnh phí, lệ phí" có thể là tăng hoặc giảm phí.
Chẳng hạn, phí ở Nghi Sơn nếu thu thấp lại lợi hơn là thu cao, thu hút các nguồn thu khác. Ngược lại, nếu giảm thấp quá lại "hút" hết nguồn lực của các địa phương lân cận. Do đó, ông Định nhấn mạnh "tỉnh cần rất cân nhắc khi điều chỉnh, ban hành thêm các loại phí, lệ phí".
Thanh Hoá cũng được đề nghị giữ lại 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn (không gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng).
Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thu ngân sách nhà nước từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn là nguồn thu quan trọng tại tỉnh nhưng theo Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, tỉnh không được hưởng để đầu tư trở lại cho Khu kinh tế Nghi Sơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu kinh tế này chưa đồng bộ. Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương mới bố trí 950 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế, đạt 20% so với nhu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo nghị quyết không quy định "cứng" tỷ lệ 70%, nên là "không quá 70%" để hàng năm Thủ tướng có dư địa điều tiết. Ngoài ra ông đánh giá, Thanh Hoá chỉ được hưởng với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu. Hai điều kiện này, theo ông Huệ, nhằm đảm bảo khả thi trong thực tế.
Ở khía cạnh này, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh Thanh Hoá đề nghị Uỷ ban Thường vụ cân nhắc điều kiện "ngân sách trung ương không hụt thu" thì tỉnh mới được hưởng số tăng thu để lại từ xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. "Nếu đưa ra điều kiện như vậy rất khó thực hiện, khó tạo động lực cho tỉnh phấn đấu", ông Hưng nói.
Dự thảo cũng nêu, Thanh Hoá được phân bổ thêm 45% số chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Tỉnh cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại... với tổng mức vay tối đa 60% thu ngân sách địa phương. So với quy định tại Luật Ngân sách 2015 là 20%, thì mức vay của Thanh Hoá được đề nghị tăng thêm 40%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay hiện là 20% thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12/2021 dự kiến là 718 tỷ đồng. Trường hợp tỷ lệ nợ vay tăng tối đa lên 60%, thì dư nợ vay tối đa của Thanh Hoá là hơn 7.900 tỷ đồng (tính theo dự toán năm 2021).
Về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, cơ chế đặc thù mới sẽ được áp dụng cho Thanh Hoá theo đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Mức huy động thống nhất không quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, tổng mức vay, bội chi ngân sách Nhà nước hằng năm do Quốc hội quyết định.
Riêng với cơ chế bổ sung có mục tiêu, cơ quan thường trực Quốc hội thống nhất cho tỉnh được hưởng 50% khoản thu từ sử dụng đất khi bán tài sản công; được giữ lại không quá 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu...
Khi có hiệu lực, Thanh Hoá sẽ được thí điểm cơ chế đặc
thù từ 1/1/2022 và trong 5 năm. Ông Hải lưu ý, dự thảo nghị quyết trao thêm cơ
chế cho Thanh Hoá phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng phải gắn với an ninh quốc
phòng, an toàn xã hội.
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét